Hiện nay, nhiều cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản đã thông đồng, cố tình hạ thấp giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng nhằm giảm tiền thuế thu nhập cá nhân. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật, khi bị phát hiện sẽ phải chịu hậu quả như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Nam Thanh sẽ cung cấp các quy định về vấn đề nộp thuế sau khi chuyển nhượng bất động sản và xử phạt hành vi trốn thuế.
Nghĩa vụ thuế của các chủ thể khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Theo quy định của pháp luật, khi chuyển nhượng bất động sản chủ thể chuyển nhượng phải đóng các khoản thuế sau:
Một, thuế thu nhập doanh nghiệp: nếu doanh nghiệp là bên chuyển nhượng bất động sản thì doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan thuế nơi có bất động sản theo Điều 17 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hai, thuế thu nhập cá nhân: Khi chuyển nhượng bất động sản, bên bán là cá nhân thì phải khai và nộp thuế thu nhập cá nhân, trừ trường hợp sau:
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản thuộc các khoản thu nhập được miễn thuế quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC;
- Trường hợp doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức khác là bên mua bất động sản mà trong hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có thỏa thuận bên mua là người nộp thuế thay cho bên bán (là cá nhân) thì bên mua có trách nhiệm phải khai và nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho bên bán (Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC).
Ba là, thuế giá trị gia tăng: Khi chuyển nhượng bất động sản (trừ chuyển nhượng quyền sử dụng đất), doanh nghiệp kinh doanh sẽ nộp thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, sửa đổi bổ sung 2013.
Như vậy, tùy vào mỗi trường hợp và chủ thể, khi chuyển nhượng bất động sản sẽ đóng các khoản thuế theo quy định của pháp luật.
>>> Xem thêm: Các quy định của pháp luật về hợp đồng tặng cho có điều kiện
Hành vi trốn thuế khi chuyển nhượng bất động sản
Hành vi trốn thuế khi chuyển nhượng bất động sản có thể thể hiện qua nhiều hình thức, bao gồm:
- Ghi giá trị bất động sản thấp hơn giá thực tế: Người bán ghi giá trị bất động sản trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn so với thực tế. Sau đó người giao dịch ký thêm phụ lục hợp đồng với giá trị thực tế cao hơn gấp nhiều lần để đóng ít thuế hơn so với thực tế. Đây là hành vi phổ biến nhất hiện nay trong việc trốn thuế khi chuyển nhượng bất động sản.
- Chuyển nhượng thông qua công ty ẩn danh: Sử dụng công ty ẩn danh hoặc tên người khác để che đậy thông tin chủ sở hữu thực sự, giúp tránh thuế và kiểm soát.
- Chuyển nhượng bất động sản trái phép: Thực hiện giao dịch chuyển nhượng mà không thông báo hoặc đăng ký với cơ quan thuế, từ tránh trách nhiệm thuế.
Những hành vi trên không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia mà còn ảnh hưởng đến công bằng và minh bạch trong quá trình giao dịch bất động sản.
>>>> Xem thêm: Hết thời hiệu khởi kiện thì phải làm sao
Quy định về xử phạt khi trốn thuế trong chuyển nhượng bất động sản
Xử phạt hành chính
Căn cứ Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, hành vi trốn thuế khi chuyển nhượng bất động sản sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;
- Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
- Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.
- Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.
- Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.
Như vậy, hành vi trốn thuế khi chuyển nhượng bất động sản sẽ được xử phạt dựa trên số tiền trốn thuế và số hành vi tăng nặng. Ngoài ra còn có các biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo.
>>>>Xem thêm: Tranh chấp tài sản khi ly hôn đơn phương
Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
- Có tổ chức;
- Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, ngoài xử phạt hành chính, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH MTV Nam Thanh về nghĩa vụ về thuế khi chuyển nhượng bất động sản. Nếu quý bạn đọc có thắc mắc liên quan đến vấn đề trên hay cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hãy liên hệ TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ qua hotline 097 303 2038 để nhận được hỗ trợ tốt nhất. Xin chân thành cảm ơn!