Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư mới nhất năm 2024
Định nghĩa về chấp thuận chủ trương đầu tư được thể hiện tại khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020, theo đó chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư. Bài viết sau đây Luật Nam Thanh chúng tôi sẽ đem đến cho quý bạn đọc những thông tin bổ ích về lĩnh vực này.
Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư
Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa xây dựng một quy định pháp luật cụ thể nhằm định nghĩa về cơ quan nhà nước nào là cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng thẩm quyền quyết định được phân cấp và trao cho ba chủ thể: Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và được quy định cụ thể tại các Điều 30, Điều 31, Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 theo hình thức liệt kê.
>>>Xem thêm: Thủ tục thông báo con dấu mới nhất năm 2024
Hồ sơ cần chuẩn bị xin chấp thuận chủ trương đầu tư
Theo quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 31 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư thì việc chuẩn bị hồ sơ sẽ căn cứ vào việc dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất hay dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập. Trường hợp dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất thì hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận.
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư.
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.
- Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Trường hợp đầu tư dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập thì hồ sơ bao gồm:
- Tờ trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án, điều kiện thu hồi đất đối với dự án thuộc diện thu hồi đất, dự kiến nhu cầu sử dụng đất (nếu có); đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; dự kiến hình thức lựa chọn nhà đầu tư và điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có); cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có). Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền được sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.
Nộp hồ sơ
Như tác giả đã phân tích ở phần trên thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, việc nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư của nhà đầu tư cũng phải căn cứ vào việc dự án của mình thuộc thẩm quyền của chủ thể nào. Theo khoản 1 Điều 34 Luật Đầu tư năm 2020 thì đối với dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và gửi cho Bộ kế hoạch và đầu tư. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhà đầu tư gửi hồ sơ đến cơ quan đăng ký đầu tư.
>>>>Xem thêm: Mẫu tờ khai đăng ký khai sinh mới nhất năm 2024
Thời hạn giải quyết
Đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước. Tổ chức và phương thức hoạt động của hội đồng này được thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định 29/2021/NĐ-CP. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định quy định tại Điều 33 của Luật Đầu tư năm 2020 để trình Chính phủ. Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội.
Đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan đến nội dung thẩm định quy định tại Điều 33 của Luật Đầu tư năm 2020. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ và lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung thẩm định quy định tại Điều 33 của Luật Đầu tư năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì thời hạn giải quyết là 35 ngày, theo đó trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan đến nội dung thẩm định. Trong 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi cơ quan đăng ký đầu tư. 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cuối cùng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
>>>>Xem thêm: Nhà đất cha mẹ chồng tặng cho thì có phải là tài sản chung trong hôn nhân không
Điểm mới của Luật đầu tư năm 2020 về các thủ tục này so với Luật đầu tư năm 2014 về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư
Nhìn chung, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 được đơn giản hóa hơn so với Luật Đầu tư 2014, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều có thể thấy rõ ràng nhất là lần đầu tiên “chấp thuận chủ trương đầu tư” được nêu định nghĩa một cách rõ ràng, cụ thể tại Điều 3 giải thích từ ngữ của Luật Đầu tư 2020. So với Luật Đầu tư 2014 thì đây là một điểm mới cụ thể nhất. Tiếp thep phải kể đến là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư có nhiều rút gọn, cụ thể: Luật Đầu tư 2020 quy định rõ hơn về các trường hợp dự án đầu tư không cần chấp thuận chủ trương đầu tư. So với Luật Đầu tư 2014, số lượng trường hợp miễn chấp thuận chủ trương đầu tư được mở rộng, giúp giảm thiểu thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Cùng với đó, hồ sơ cũng được tối giản, Luật Đầu tư 2020 chỉ yêu cầu một số giấy tờ, tài liệu thiết yếu trong bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, thay vì yêu cầu nhiều giấy tờ như trước đây.
Cách thức liên hệ Luật sư tư vấn
Liên hệ trực tuyến
Để đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ một cách nhanh chóng, hình thức tư vấn trực tuyến qua hotline giúp tiết kiệm tối đa chi phí, khách hàng vừa có thể nhận được những tư vấn cụ thể, chi tiết vừa không cần phải trực tiếp đến văn phòng công ty. Để nhận được sự tư vấn của Luật sư một cách nhanh chóng nhất, quý khách vui lòng liên hệ qua Hotline 097 303 2038. Ngoài ra, Công ty Luật TNHH MTV Nam Thanh còn nhận các thắc mắc của khách hàng thông qua những hình thức khác:
- Email: namthanhlawfirm1999@gmail.com
- Fanpage: Công ty Luật Nam Thanh
- Website: namthanhlawfirm.com
Liên hệ trực tiếp
Trường hợp quý khách gặp phải tình huống có nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều quy định pháp luật khác nhau và cần nhanh chóng xử lý, quý khách hàng có thể đến văn phòng của chúng tôi để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp tại một trong hai địa chỉ sau:
- Trụ sở: 19 Võ Oanh, phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
- Chi nhánh: 678 (Tầng 1) Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 10, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Trên đây là một số tư vấn về Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư mới nhất năm 2024. Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này cần Luật sư Tư vấn vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 097 303 2038 để được tư vấn nhanh chóng và kịp thời. Xin cảm ơn!
Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: namthanhlawfirm1999@gmail.com