Cá nhân nước ngoài có được thành lập công ty tại Việt Nam? Trình tự, thủ tục như thế nào?
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, cá nhân nước ngoài có được thành lập công ty tại Việt Nam hay không và trình tự, thủ tục thành lập như thế nào luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn. Qua bài viết dưới đây, Công ty Luật TNHH MTV Nam Thanh sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề này.
Theo Điều 22 Luật Đầu tư 2020 việc đầu tư thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam như sau:
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
1. Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế theo quy định sau đây:
a) Nhà đầu tư trong nước thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế;
b) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
c) Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nhà đầu tư nước ngoài muốn mở công ty tại Việt Nam thì phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định.Thứ hai, cần có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập. Đồng thời, kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương thì công ty do nhà đầu tư nước ngoài mở thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
>>>Xem thêm: Tách sổ đỏ là gì? Tách sổ đỏ mất bao lâu và mất bao nhiêu tiền?
Cá nhân nước ngoài có được xem là nhà đầu tư nước ngoài không hay phải là tổ chức mới được công nhận?
Tại khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định về nhà đầu tư nước ngoài như sau: “19. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả cá nhân nước ngoài và tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy cá nhân nước ngoài có thể mở công ty tại Việt Nam mà không cần thành lập tổ chức.
>>>Xem thêm: Mức xử phạt khi chậm thay đổi đăng ký kinh doanh
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với cá nhân nước ngoài khi thành lập tổ chức kinh tế là gì?
Tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020 quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như sau:
Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
1. Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:
a) Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
b) Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
3. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
b) Hình thức đầu tư;
c) Phạm vi hoạt động đầu tư;
d) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
đ) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo đó có 3 trường hợp tiếp cận thị trường đối với cá nhân nước ngoài khi mở công ty tại Việt Nam như sau:
- Cá nhân nước ngoài không được mở công ty tại Việt Nam đối với ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
- Cá nhân nước ngoài khi mở công ty tại Việt Nam hoạt động kinh doanh ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì phải đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 nêu trên.
- Đối với các ngành nghề kinh doanh còn lại nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Về Danh mục ngành, nghề chưa được và hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được công bố tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
>>Xem thêm: Thay đổi cổ đông sáng lập có phải đăng ký kinh doanh không?
Trên đây, là toàn bộ tư vấn của chúng tôi liên quan đến việc Cá nhân nước ngoài có được thành lập công ty tại Việt Nam? Trình tự, thủ tục như thế nào? Quý bạn đọc có thắc mắc liên quan đến vấn đề này hoặc cần tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH MTV Nam Thanh qua Hotline: 097 303 2038.