Chủ thể của tội phạm là một trong những yếu tố cấu thành tội phạm, chủ thể của tội phạm quy định về vấn đề độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Vậy bao nhiêu tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm?
1. Bao nhiêu tuổi phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm?
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
– Người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm mà mình đã gây ra, ngoại trừ trường hợp Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định khác;
– Người chuẩn bị phạm tội sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu chuẩn bị phạm tội đối với những loại tội phạm sau: Điều 108, Điều 109, Điều 110, Điều 111, Điều 112, Điều 113, Điều 114, Điều 115, Điều 116, Điều 117, Điều 118, Điều 119, Điều 120, Điều 121, Điều 123, Điều 134, Điều 168, Điều 169, Điều 207, Điều 299, Điều 301, Điều 302, Điều 300, Điều 303 và Điều 324 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo đó thì có thể nói, tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một trong những điều kiện của chủ thể của tội phạm. Bộ luật hình sự năm 2015 của Việt Nam nói riêng và pháp luật hình sự của các quốc gia trên thế giới nói chung đều bắt buộc cần phải xác định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, qua đó có thể xác định điều kiện có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội của người phạm tội, thể hiện chính sách hình sự của quốc gia sao cho phù hợp với từng độ tuổi nhất định. Luật hình sự của quốc gia trên thế giới sẽ dựa trên kết quả nghiên cứu và khảo sát về tâm lý, kết quả nghiên cứu và khảo sát liên quan đến tình hình tội phạm cũng như căn cứ vào chính sách hình sự của pháp luật quốc gia mình từ đó quy định tuổi bắt đầu có trách nhiệm hình sự và tuổi có trách nhiệm hình sự đầy đủ. Các độ tuổi này sẽ được xác định theo hoàn cảnh và tình hình của mỗi nước, trong mỗi khoảng thời gian nhất định thì cũng có thể thay đổi về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Ở Việt Nam, căn cứ vào thực tiễn phòng chống tội phạm và dựa trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Bộ luật hình sự năm 2015 xác định tuổi 14 là tuổi bắt đầu có năng lực trách nhiệm hình sự và tuổi 16 là tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Vì vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật hình sự năm 2015 theo như phân tích nêu trên, người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, ngoại trừ những tội phạm mà pháp luật hình sự có quy định khác. Đây là những tội phạm và chủ thể của những tội phạm đó đòi hỏi phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có thể kể đến các điều luật như sau: Điều 145, Điều 146, Điều 147, Điều 325, Điều 329 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Như vây, đối với câu hỏi nêu trên, thì 16 tuổi sẽ được xác định là tuổi phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm.
2. Vì sao 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm?
Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bản chất là nhà nước của dân, do dân, vì dân đặt dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, đây là một nhà nước lấy tiêu chí dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu phấn đấu trong quá trình xây dựng. Với bản chất đó, nhà nước Việt Nam thực sự là nhà nước dân chủ và nhân đạo. Bản chất dân chủ và nhân đạo được thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là thể hiện rõ rệt trong quan hệ pháp luật. Trong đó pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và phòng chống tội phạm đảm bảo cho mọi người có một cuộc sống và môi trường xã hội sinh thái an toàn, lành mạnh, mang tính nhân văn cao. Với tư tưởng nhân đạo sâu sắc đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự ở độ tuổi nào đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo điều luật phân tích nêu trên thì có thể thấy, ở độ tuổi 16 tuổi sẽ được xác định là độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Việc xác định một người 16 tuổi là chủ thể chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm cần phải được dựa trên nhiều điều và nhiều yếu tố khác nhau.
Trên cơ sở lý thuyết và trên cơ sở thực tế, sự hình thành và phát triển của một con người cho thấy, độ tuổi 16 là độ tuổi đánh dấu bước phát triển về mặt sinh học cũng như mặt xã hội, nhận thức của một con người. Bước vào độ tuổi 16 con người đã phát triển toàn diện và hầu như đầy đủ về mặt thể lực và thể chất. Mọi cơ quan sinh học đều đã được hình thành bước chắc, đảm bảo một sự sống bền lâu cho cơ thể.
Trong khi đó, song song với quá trình phát triển thể lực là chính lực. Sự nhận thức của con người về thế giới khách quan ở độ tuổi 16 cũng toàn diện và đầy đủ, dần dần được tăng lên. Con người lúc này đã kiểm soát được hành vi của mình, nhận biết được sự vật và hiện tượng tự nhiên, xã hội và nhận biết được những điều đúng sai, những điều phải trái. Vì vậy có thể nói đây là giai đoạn con người đã thực sự phát triển một cách toàn diện về mặt sinh học cũng như mặt xã hội.
Đồng thời, để đảm bảo tính răn đe cho các chủ thể khi họ đã phát triển đầy đủ về mặt thể lực và trí lực, pháp luật Việt Nam đã quy định độ tuổi 16 là một trong những độ tuổi phù hợp để phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, họ sẽ phải đánh chịu đối với những hậu quả và hành vi mà mình đã gây ra trên thực tế.
3. Quy định về chủ thể đặc biệt của tội phạm:
Cấu thành tội phạm của tất cả các loại tội phạm đều đòi hỏi chủ thể phải có năng lực trách nhiệm hình sự, tức là cần phải đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và không thuộc một trong những trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự. Một số cấu thành tội phạm đòi hỏi chủ thể cần phải có thêm dấu hiệu đặc biệt khác vì chỉ những chủ thể có dấu hiệu đặc biệt này mới có thể thực hiện được hành vi phạm tội mà cấu thành tội phạm đang phản ánh. Chủ thể đòi hỏi phải có dấu hiệu đặc biệt như vậy người ta còn gọi là chủ thể đặc biệt. Việc pháp luật hình sự quy định chủ thể đặc biệt không phải là để truy cứu trách nhiệm hình sự người có đặc điểm nhất định về nhân thân mà còn nhầm mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi nguy hiểm cho xã hội, và hành vi đó chỉ có thể được thực hiện bởi những người có đặc điểm nhất định đó.
Bộ luật hình sự năm 2015 hiện nay có đưa ra những đặc điểm nhất định của chủ thể đặc biệt. Cụ thể như sau:
– Các đặc điểm liên quan đến chức vụ và quyền hạn. Ví dụ như tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ;
– Các đặc điểm liên quan đến nghề nghiệp và tính chất công việc của tội phạm. Ví dụ như tội vi phạm quy định điều khiển tàu bay, tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Các đặc điểm liên quan đến nghĩa vụ cần phải thực hiện. Ví dụ như tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, tội không chấp hành án;
– Đặc điểm về quan hệ gia đình và họ hàng. Ví dụ như tội loạn luân, tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Ngoài các trường hợp nêu trên, bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định một số dấu hiệu khác cho chủ thể của tội phạm ở một số tội phạm nhất định. Trong đó có dấu hiệu được quy định nhằm thu hẹp phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội. Ví dụ như dấu hiệu “đủ 18 tuổi trở lên” được quy định về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi căn cứ theo điều 146 của bộ luật hình sự năm 2015. Trường hợp này cũng được coi là không trái với nguyên tắc chung khi quy định dấu hiệu đặc biệt của chủ thể đặc biệt.
Những đặc điểm nêu trên khi đã được quy định trong cấu thành tội phạm của các điều luật thì sẽ trở thành dấu hiệu bắt buộc cần phải xem xét và có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội danh. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, trong những vụ án đồng phạm, những đặc điểm đó chỉ đòi hỏi ở người thực hiện tội phạm, hay còn được gọi là người thực hành. Những người đồng phạm khác như người tổ chức, xúi giục, người giúp sức sẽ không đòi hỏi cần phải có dấu hiệu đặc biệt của chủ thể đặc biệt. Ví dụ như người không có chức vụ, quyền hạn có thể xúi giục người có chức vụ quyền hạn liên quan đến tài sản để tham ô tài sản.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
Thống kê tội phạm đóng vai trò quan trọng trong việc thu
thập, phân tích và đánh giá tình hình vi phạm pháp luật hình sự. Bài viết này sẽ
giới thiệu về khái niệm thống kê tội phạm, cũng như các quy định liên quan đến vấn đề trên.
Tội phạm tuy có chung các dấu hiệu nhưng những hành vi phạm tội cụ thể có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau. Do sự khác nhau như vậy mà vấn đề phân hóa và cá thể hóa trách nhiệm hình sự được coi là nguyên tắc của luật hình sự Việt Nam. Vậy tội phạm rất nghiêm trọng là gì?
Việc phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm có thể thông qua nhiều nguồn khác nhau, trong đó có tin báo về tội phạm. Vậy tin báo về tội phạm là gì và quy định về giải quyết tin báo, tố giác tội phạm như thế nào?
Tội phạm là gì? Yếu tố cấu thành tội phạm? Cách phân loại tội phạm theo Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017? Căn cứ phân loại tội phạm?